Phân loài và đặt tên Tê_giác_Sumatra

Bức vẽ đầu tiên của mẫu vật đầu tiên mà giới khoa học phương tây biết đến, vẽ bởi William Bell vào năm 1793

Con tê giác Sumatra được ghi nhận đầu tiên bị bắn 16 km (9,9 dặm) bên ngoài Fort Marlborough, gần bờ tây của Sumatra vào năm 1793. Bức vẽ con vật và một đoạn văn mô tả nó được gửi tới nhà tự nhiên học Joseph Banks, vào lúc đó là Chủ tịch của Hội Hoàng gia Luân Đôn, người đã cho xuất bản một bài viết về mẫu vật trên vào năm đó.[5] Vào năm 1814, loài này được Johann Fischer von Waldheim đặt tên khoa học.[6][7]

Tính ngữ xác định loài sumatrensis có nghĩa là "của Sumatra", hòn đảo Indonesia nơi loài tê giác lần đầu được tìm thấy.[8] Carl Linnaeus ban đầu phân loại tất cả tê giác vào một chi Rhinoceros; do đó loài này ban đầu được phân loại là Rhinoceros sumatrensis hoặc sumatranus.[9] Joshua Brookes cho rằng tê giác Sumatra có hai sừng nên là một chi riêng biệt so với chi Rhinoceros có một sừng, và cho nó cái tên Didermocerus vào năm 1828. Constantin Wilhelm Lambert Gloger đã đề xuất cái tên Dicerorhinus vào năm 1841. Vào năm 1868, John Edward Gray đề xuất cái tên Ceratorhinus. Thường thì cái tên lâu đời nhất sẽ được sử dụng, nhưng vào năm 1977 Ủy ban Quốc tế về Danh mục Động vật học đã quyết định đặt tên chi chính thức là Dicerorhinus.[3][10] Dicerorhinus bắt nguồn từ Tiếng Hy Lạp, trong đó di (δι, nghĩa là "hai"), cero (κέρας, nghĩa là "sừng"), và rhinos (ρινος, nghĩa là "mũi").[11]

Có ba phân loài là:

  • Dicerorhinus sumatrensis sumatrensis, được gọi là Tê giác Sumatra miền tây, chỉ còn khoảng 75-85 con vào năm 2008 và không thể xác định vào năm 2020, hầu hết trong các Vườn quốc gia Bukit Barisan Selatan, Kerinci SeblatGunung Leuser tại Sumatra, nhưng cũng có một số lượng nhỏ ở Vườn quốc gia Way Kambas.[1] Gần đây chúng đã tuyệt chủng tại Malaysia bán đảo. Mối đe dọa chính với phân loài này là mất môi trường sống và nạn săn bắt trộm. Một sự khác biệt nhỏ về mặt di truyền đã được ghi nhận giữa tê giác Sumatra miền tây và tê giác Borneo.[1] Tê giác trên Malaysia bán đảo từng được gọi là D. s. niger, nhưng sau đó được công nhận là một danh pháp đồng nghĩa với D. s. sumatrensis.[3] Ba con đực và bốn con cái hiện đang sống trong tình trạng nuôi nhốt tại Khu bảo tồn Tê giác Sumatra tại Way Kambas, con đực nhỏ tuổi nhất đã được sinh ra tại đó vào năm 2012.[12] Một con non khác, một con cái, đã được sinh ra tại khu bảo tồn vào tháng 5 năm 2016.[13] Hai con đực của khu bảo tồn được sinh ra tại Vườn thú và bách thảo Cincinnati.[14]
  • Dicerorhinus sumatrensis harrissoni, được gọi là Tê giác Borneo hay Tê giác Sumatra miền đông. Phân loài tê giác này từng phổ biến khắp Borneo; ước chừng hiện tại chỉ còn khoảng 15 cá thể tồn tại.[15] Quần thể đã biết này sống ở East Kalimantan, gần đây chúng đã tuyệt chủng tại Sabah.[16] Các báo cáo về việc có Tê giác Borneo sinh sống ở Sarawak thì vẫn chưa được xác nhận.[1] Phân loại này được đặt tên theo Tom Harrisson, người đã cống hiến nhiều cho lĩnh vực động vật học và nhân loại học Borneo vào thập niên 1960.[17] Phân loài Borneo có đặc trưng là có kích cỡ cơ thể nhỏ hơn so với hai phân loài còn lại.[3] Quần thể đang trong tình trạng nuôi nhốt chỉ bao gồm một con đực và hai con cái tại Khu bảo tồn Tê giác Borneo ở Sabah; con đực chết vào năm 2019 và các con cái chết lần lượt vào năm 2017 và 2019.[18][19]
  • Dicerorhinus sumatrensis lasiotis, được gọi là Tê giác Sumatra phương bắc hay Tê giác Chittagong hay tê giác lông dày phương Bắc. Phân loài này từng lang thang khắp Ấn Độ và Bangladesh nhưng hiện tại đã được tuyên bố tuyệt chủng tại các quốc gia này. Các báo cáo chưa xác nhận cho rằng có một quần thể nhỏ có thể vẫn đang sống tại Myanmar, nhưng tình hình chính trị tại quốc gia này đã ngăn cản việc xác nhận tình trạng của phân loài.[1] Cái tên lasiotis bắt nguồn từ Tiếng Hy Lạp có nghĩa "tai lông lá". Các nghiên cứu sau này cho thấy rằng lông tai của chúng thì không dài hơn so với các phân loài Tê giác Sumatra khác, nhưng D. s. lasiotis vẫn được coi là một phân loài bởi vì nó lớn hơn một cách đáng kể so với các phân loài khác.[3] Loài này có thể đã tuyệt chủng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tê_giác_Sumatra http://annamiticus.com/2016/05/12/girl-critically-... http://www.aroundcinci.com/broadband/icams/rhino http://news.mongabay.com/2013/0408-hance-sumatran-... http://news.mongabay.com/2015/04/officials-sumatra... http://www.rhinoresourcecenter.com http://www.rhinoresourcecenter.com/index.php?s=1&a... http://www.rhinoresourcecenter.com/index.php?s=1&a... http://www.rhinoresourcecenter.com/index.php?s=1&a... http://www.rhinoresourcecenter.com/pdf_files/117/1... http://www.rhinoresourcecenter.com/pdf_files/124/1...